Công ty CP Thương mại gỗ Vinh Phú nhìn lại 10 năm xây dựng và phát triển

Một ngày lập Thu 2022, được sự giới thiệu của lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng, tôi về thăm Công ty Cổ phần Thương mại (CPTM) Gỗ Vinh Phú tọa lạc tại đầm Cống Kế, Tổ dân phó Tân Khê, phường Đồng Hòa, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Công ty CPTM Gỗ Vinh Phú được thành lập ngày 24 tháng 5 năm 2012, với 5 thành viên cổ phần, do Nghệ nhân Ngô Văn Nhâm làm Giám đốc, đến nay vừa tròn 10 năm. Trải qua chặng đường 10 năm, Công ty CPTM Gỗ Vinh Phú đã không ngừng phát triển, để có được những thành quả, cơ ngơi, tiềm năng phát triển như hôm nay.

Trước yêu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2012, UBND thành phố Hải Phòng chủ trương giao diện tích cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất với diện tích gần 5000 m2. Nhìn lại những ngày mới thành lập, biết bao khó khăn doanh nghiệp phải vượt qua, đó là sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của nhân dân, nguồn vật liệu cơ bản nhập khẩu từ nước ngoài, đội ngũ thợ tay nghề cao có số lượng ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu và không đồng bộ…

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Công ty từng bước đầu tư trang thiết bị ngày càng hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ những máy công cụ thô sơ những ngày đầu mới thành lập, đến nay đã được đầu tư cơ bản với các máy móc hiện đại như: máy cưa, máy xẻ, máy nâng, nhà xưởng cũng được đầu tư nâng cấp (diện tích hơn 4.000 m2)…với tổng số kinh phí trên 30 tỷ đồng. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng là điều trăn trở của Công ty. Nhưng nhờ vào những kinh nghiệp và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, Công ty khai thác nguồn gỗ ổn định, trung binh mỗi năm nhập gần 2.000 m2 gỗ từ một số nước thuộc Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á, với các chủng loại như: lim, hương, lát, gõ, dụ, sến…phục vụ tốt cho các nhu cầu sản xuất, yêu cầu của khách hàng.

Từ hơn 10 người thợ ban đầu, Công ty chú trọng chăm lo tuyển chọn, đào tạo và sử dụng đội ngũ thợ có tay nghề cao và thợ lành nghề. Hiện nay, Công ty đã có 50-60 cán bộ, người lao động, trong đó 20-30% thợ có tay nghề cao và 70-80% thợ lành nghề. Đội ngũ thợ được truyền thụ nghề nghiệp chu đáo, chú trọng nâng cao kiến thức, nhất là nâng cao hiểu biết về tầm văn hóa dân tộc, văn hóa tâm linh để đáp ứng được nhu cầu phát triển của Công ty. Trong hai năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19, Công ty vẫn bảo đảm công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho cán bộ, người lao động với thu nhập bình quân từ 15 đến 18 triệu đồng/người/tháng, những thợ có tay nghề bậc cao, ở những vị trí chủ chốt trong sản xuất thì thu nhập cao hơn. Ngoài ra, các chế độ đãi ngộ khác như thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ, thăm quan, du lịch…cũng được Công ty chăm lo tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Nghiên cứu và thấy được giá trị của những ngôi nhà gỗ truyền thống nền văn minh lúa nước từ rất lâu đời, trong quá trình phát triển, Công ty  CPTM Gỗ Vinh Phú đi sâu vào nghiên cứu và xây dựng những ngôi nhà gỗ cổ truyền thống Việt Nam. Trước nhu cầu của thị trường, Công ty đầu tư nghiên cứu những ngôi nhà gỗ cổ từ khảo sát thực tế, tư vấn, thiết kế, thi công. Đến nay, Công ty đã thiết kế và thi công, bàn giao cho khách hàng hơn 100 ngôi nhà gỗ cổ truyền thống, trải dài từ các tỉnh miền Trung trở ra phía Bắc; tính trung bình mỗi ngôi nhà hoàn thiện trị giá 1,5 tỷ đồng. Điều đặc biệt là, Công ty chú trọng vào giữ gìn và phát huy được nét văn hóa truyền thống của cha ông. Những kiểu dáng, đường nét hoa văn mang dấu ấn sâu sắc của văn hóa Việt, tâm hồn Việt trong những ngôi nhà được bàn tay khéo léo của những người thợ được thể hiện tinh tế, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Những ngôi nhà gỗ truyền thống tiêu biểu như: Chùa Đậu, xã Nga Mỹ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá; Phủ Trèo xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá; nhà ông Phạm Văn Nhạnh, thôn Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng; nhà ông Khắc, xã Minh Tân, huyện Kiến Thuỵ; nhà ông Chính, xã Thiên Hương, huyện Kiến Thuỵ; nhà ông Trịnh, đường 10 cũ phường Lãm Hà, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Khi nói về những giá trị của những ngôi nhà cổ truyền thống, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Những ngôi nhà cổ truyền thống không những là nơi tụ họp con cháu, thờ cúng tổ tiên mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc đó là tri ân những bậc tiền nhân”. Như vậy, những ngô nhà gỗ cổ truyền thống do Công ty CPTM Gỗ Vinh Phú tư vấn, thiết kế và thi công đã gắn kết dòng chảy văn hóa dân tộc từ quá khứ, hiện tại và tương lai.

Cùng với tư vấn, thiết kế và thi công những ngôi nhà cổ truyền thống, Công ty còn tư vấn, thiết kế, thi công hoành phi, câu đối, cửa, võng, ngai, tượng…Những đồ thờ tự, bày trí, khánh tiết trong nhà cổ, đền, đình, chùa có sự đa dạng, phong phú, phụ thuộc vào văn hóa tâm linh của từng vùng, miền, phong tục tập quán của từng địa phương. Để đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, đội ngũ người thợ Công ty phải học hỏi về những lối cổ của các cụ để lại (những nét kiến trúc, tạo hoa văn, nghệ thuật chạm khắc, tiếng Hán – Nôm…) vận dụng vào thực tế để đưa ra những sản phẩm đẹp nhất, đồng thời phải thường xuyên tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện tay nghề vững vàng, tinh xảo và sáng tạo. Hàng nghìn câu đối, đại tự, cửa võng, thiều trâu, tượng Phật, tượng truyền thần, tượng tứ phủ…đã được những người thợ Công ty thiết kế, thi công đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, gắn kết giá trị văn hóa tâm linh.

Nói về bí quyết thành công của Công ty CPTM Gỗ Vinh Phú trong 10 năm xây dựng và phát triển, Nghệ nhân Ngô Văn Nhâm, Giám đốc Công ty bộc bạch chia sẻ: Thường xuyên xây dựng sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của tập thể lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty; khơi dậy và phát huy những sáng kiến tìm ra phương pháp hiệu quả trong sản suất, kinh doanh; xây dựng chữ “tín” với khách hàng tạo sự tin tưởng, ủng hộ công ty với phương châm “khách hàng là người thân, sản phẩm là con đẻ”.

Trải qua 10 năm đối với lịch sử quả là thật ngắn ngủi, nhưng đối với Công ty TMCP Gỗ Vinh Phú là một chặng đường khởi nghiệp, đặt những nền móng hết sức cơ bản, để ngày hôm nay, đội ngũ cán bộ, người lao động vững bước trên con đường hội nhập, phát triển của thành phố Hải Phòng đang vươn mình ra biển lớn; góp phần tích cực xây dựng Hiệp hội Làng nghề thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đại tá, Th.sỹ Trần Quốc Huy

                Phó Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề TP.Hải Phòng

Bài viết khác

Tác giả: minhtri