Ngày 16/7/2022 theo lịch hẹn trước tại xưởng gốm phù điêu ở thôn 3, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (Sư thầy Thích Chánh Tịnh).
Năm 1996, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên học đạo ở trong Chùa, tham gia công việc trùng tu, tôn tạo các cơ sở Chùa chiền, Đình, Đền, Miếu và nhiều di tích khác trên cả nước. Nghệ nhân đã thiết kế, phục chế cấu kiện kiến trúc gỗ; đắp vẽ các loại hoa văn, họa tiết cổ bằng xi măng, vôi giấy, thạch cao; điêu khắc các linh vật, các bia kí, bảo tháp bằng đá xanh; tạo mẫu đúc đồng các đồ tế tự, đúc pháo thần công thờ trong Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc. Trong thời gian làm việc tại các khu di tích lịch sử, nghệ nhân phát hiện đồ gốm sứ đã bị mai một dần theo thời gian. Gốm sứ có tuổi thọ hàng ngàn năm, chứa đựng các giá trị tinh hoa truyền thống và kỹ năng thủ công điêu luyện của ông cha ta đã thôi thúc tôi tìm tòi, sưu tầm các mảnh vỡ trầm tích để nghiên cứu, tư duy chất đất, chất men và nhiệt độ nung. Sau đó nghệ nhân sử dụng đất Cao Lanh, Trúc Thôn trộn với đất sét quê để vuốt ra những chiếc bát, đĩa nhỏ, nặn đắp các hình tượng và nung thành Gốm bằng củi trong lò bầu nhỏ.
Nghệ nhân đi tham quan đồ gốm sứ trong các bảo tàng và đã phát hiện ra men gốm Việt luôn có màu đục, sẫm, các làng nghề gốm cổ đều gần sông, vật liệu làm gốm được khai thác ở môi trường ven sông…Chính điều kiện này đã giúp nghệ nhân tạo ra bài men chế biến từ vỏ ốc, rễ bèo cái, trấu rơm nếp cùng đốt thành tro, bột đá thạch anh…hòa cùng nước để lắng đọng và gạn bỏ tạp chất hữu cơ, các thành phần được tinh lọc bằng vải sau cùng pha dung dịch phèn chua và muối, thể lỏng này không còn tạp chất cho nên cứng rắn hơn thành phần đất, vì vậy cần nung ở nhiệt độ 11500C trở lên mới tan chảy bóng mịn. Đất thì nhẹ lửa hơn, nung tới 10000C là cứng như sành, nguyên liệu và cách chế biến này được gọi là lớp men “gio trấu” có màu sẫm, đục như nước gạo, gần giống màu men gốm sứ truyền thống.
Sau nhiều lần thử nghiệm, nặn đắp phơi khô, nhúng men, nung đốt các sản phẩm kích cỡ nhỏ và vừa để giao lưu, chiêm nghiệm. Gốm đã lôi cuốn nghệ nhân kiên trì khám phá làm đi làm lại nhiều lần về sau. Năm 2018, nghệ nhân phát triển dòng gốm đắp nổi, chênh bong tinh xảo trên bề mặt đồ gốm và điêu khắc, các chi tiết vươn ra khoảng không mà khi nung trong lò không rơi rụng, biến dạng. Đối tượng các tác phẩm kích thước lớn gồm: tượng Nghê Việt, chân đèn thời Mạc, bộ tượng danh nhân Anh hùng dân tộc, các tượng danh nhân văn hóa, các tượng chân dung bán thân, các bộ tượng Phật, Bồ tát, Bộ tượng ông Phúc Lộc Thọ, và sáng tác các loại hình điêu khắc khác, đắp nổi chim, muông thú, phong cảnh và hệ thống bình gốm đắp hoa văn cổ, tất cả đều thuần Việt.
MT