Sức sống mới ở một làng nghề truyền thống

Trong khi nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố thoi thóp do sản xuất- kinh doanh khó khăn, một số làng mai một hẳn nghề truyền thống, ở xã An Tiến (huyện An Lão) nghề chế tác các sản phẩm từ đá ở thôn Khúc Giản hồi sinh nhờ hướng đi mới với những người tâm huyết duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương.
          Nhà nhà sản xuất
          Ven đường quốc lộ 10, trên địa bàn xã An Tiến gần đây có nhiều hộ sản xuất các sản phẩm chạm khắc, chế tác từ đá phục vụ nhu cầu dân dụng, nhiều nhất là các lăng, mộ đá. Bên cạnh khu vực này, rải rác trong các khu dân cư ở thôn Khúc Giản cũng có các hộ dân bung ra phát triển nghề này, khắp nơi rộn ràng âm thanh máy cưa, đẽo đá, tiếng đục nhịp nhàng của những người thợ đã cần cù chăm chỉ.
          Thôn Khúc Giản cũng thường xuyên đón khách hàng tấp nập tìm đến mua sản phẩm. Bởi tiếng tăm của làng nghề gần đây không chỉ lan truyền trong người dân của thành phố mà sang cả nhiều tỉnh thành phố bạn. Khách hàng thích tìm đến đây để mua sản phẩm làm sẵn hoặc đặt làm sản phẩm theo yêu cầu, bởi làng nghề có những người thợ tài hoa. Mỗi đường nét đục đẽo, điêu khắc, chạm trổ trên đá của người thợ làng nghề Khúc Giản được nhiều khách hàng đánh giá trội hơn hẳn các sản phẩm cùng loại ở nhiều làng nghề điêu khắc đá khác ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa….Đặc biệt, chất liệu sản phẩm của làng nghề cũng tốt, bền hơn.
          Để khẳng định uy tín chất lượng sản phẩm của làng nghề trên thị trường, thời gian các cơ sở sản xuất ở làng nghề không chỉ chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện để những người thợ nâng cao tay nghề, mà còn không ngừng sáng tạo các mẫu mã sản phẩm mới, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Chất liệu đá để sản phẩm cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng, thường là đóa hoa cương hoặc cẩm thạch được nhập về từ các tỉnh có nhiều mở đá quí như Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh miền Nam.
          Người có công “giữ lửa” làng nghề
          Sức sống mới diệu kỳ ở làng nghề chạm khắc đá tại thôn Khúc Giản có được nhờ anh em Nguyễn Minh Tuấn, một nghệ nhân, người con của quê hương trong việc gìn giữ và thổi bùng ngọn lửa đam mê của những người thợ đá.
          Anh Tuấn, sinh ra, lớn lên ở làng nghề. Từ khi 8 tuổi, anh được ông ngoại truyền nghề đục đẽo các sản phẩm từ đá. Anh Tuấn nhớ lại ngày xưa, làng nghề chủ yếu chế tác các sản phẩm truyền thống phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn như các loại chày, cối đá, trục tuốt lúa…Vì thế mà nhiều người thường quen gọi là làng nghề đá đồ. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, làng nghề vẫn khá nhộn nhịp, sôi động. Ở xóm núi Voi có 23 hộ dân, thì có tới 21 gia đình tham gía làm nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, sau đó, sự phát triển của đời sống kinh tế- xã hội ngày một nâng cao khiến các sản phẩm truyền thống của làng nghề Khúc Giản mất dần thị trường. Một số thợ đá giỏi nghề tìm đến các địa phương khác làm ăn.
          Khi trưởng thành, anh Tuấn đã học nghề mới. Một lần được người bạn của bố là nghệ nhân điêu khắc nhờ phụ giúp việc tạc tượng Bác Hồ, anh học hỏi thêm từ người nghệ nhân đó những kiến thức tinh tế về điêu khắc mỹ thuật. Từ đó, anh thấy đam mê nghề, bắt đầu hành trình học thêm mỹ thuật.
          Trở về địa phương, anh Tuấn bắt tay vào dạy nghề và gây dựng cơ sở sản xuất các sản phẩm chạm khắc từ đá. Sản phẩm của anh khá đa dạng, từ tượng nghệ thuật, linh thú, lăng mộ, bia đá…Sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nên vài năm gần đây phát triển mạnh. Những người thợ được anh đào tạo nghề thành lập các cơ sở sản xuất mới của làng nghề, đua nhau sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường.
          Với vai trò “ thắp lửa” làng nghề, anh Tuấn tiếp tục giữ lửa cho làng nghề bằng cách giúp đỡ anh em thợ trong làng nâng cao tay nghề, phát triển sản xuất, tìm thị trường.


          Còn những trăn trở
          “Làng nghề hồi sinh đem lại đời sống khấm khá cho dân làng. Nhiều hộ xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt đầy đủ”. Ông Bùi Văn Bút, Phó Chủ tịch UBND xã An Tiến cho biết. Tuy nhiên, theo ông Bút, việc các cơ sở sản xuất phát triển nở rộ chủ yếu dọc theo đường quốc lộ 10 cũng gây một số hệ lụy về ô nhiễm môi trường do bụi và tiếng ồn, mất an toàn giao thông. Đây là vấn đề trăn trở của chính quyền địa phương.
          Trước thực tế này, trong quá trình xây dựng quy hoạch nông thôn mới, gần đây, xã dành đất 5 ha khu vực khu dân cư và quốc lộ 10 để qui hoạch làng nghề. Huyện An Lão đồng ý chủ trương cho xã xây dựng khu làng nghề tập trung, tuy nhiên, hiện tại để triển khai, xã đang khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở làng nghề sau đó vận động các hộ tham gia sản xuất tại đó.
          Trong giai đoạn chờ đợi hoàn thiện và di chuyển về khu làng nghề tập trung, trước mắt địa phương yêu cầu các hộ sản xuất góp phần bảo đảm an toàn trên khu vực ven quốc lộ 10, đồng thời sử dụng nước trong quá trình cưa, cắt, đục, chạm đá để giảm thiểu tiếng ồn, ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất gây ra.

An Hương

Bài viết khác

Tác giả: minhtri