Không ngừng củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống Việt Nam

Nguyễn An Hưng,
(UVBCH Hiệp hội Làng nghề Việt Nam,
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề TP. Hải Phòng)

  Nhiệm kỳ 2018 – 2023 vừa qua, Hiệp hội và các tổ chức, hội viên đã triển khai Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường do tác động tiêu cực lâu dài của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraina; Israel – Hamas; Israel – Houthi, Israel – Iran…làm đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, nguyên, nhiên liệu toàn cầu, đặc biệt là xăng, dầu. Ảnh hưởng đến đến sức mua và làm suy giảm các thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống. Tình hình trên làm cho sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức kinh tế và làng nghề trong cả nước bị đình đốn, việc làm và đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.

Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, với quyết tâm chính trị cao của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương, các địa phương; các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, và tổ chức xã hội – nghề nghiệp (trong đó có Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) và sự đoàn kết, đồng lòng của cả nước, Việt Nam đã vững vàng vượt qua dược những khó khăn, thách thức, tự tin hơn trên con đường xây dựng và phát triển.

Trong bối cảnh chung đó, Ban Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và Hội đồng Cố vấn của Hiệp hội đã bám sát chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Điều lệ, tập trung triển khai mạnh mẽ Nghị quyết của Đại hội Hiệp hội lần thứ IV, hướng tới mục tiêu Đại hội đề ra là: Xây dựng Hiệp hội phát triển bền vững, trở thành mái nhà chung của làng nghề Việt; là địa chỉ tin cậy của hội viên.

Sau Đại hội, Lãnh đạo Hiệp hội đã tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành các Quy chế hoạt động, hướng dẫn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy các Ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc; các Tổ chức có tư cách pháp nhân; các văn phòng đại diện và Tạp chí Làng nghề Việt Nam.

Văn phòng Đại diện, là cánh tay nối dài của Hiệp hội tại các địa phương (nơi chưa có tổ chức Hội, Hiệp hội cấp tỉnh) được quan tâm đầu tư. Công tác phát triển hội viên tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện nay Hiệp hội Làng nghề Việt Nam có trên 1000 hội viên ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Hàng chục nghìn người lao động được Hiệp hội và các tổ chức, hội viên dạy nghề, truyền nghề, đào tạo nâng cao tay nghề.

Trong nhiệm kỳ, Ban Lãnh đạo Hiệp hội đã tích cực phối, kết hợp với các cơ quan Nhà nước, các địa phương, các thành viên trong Cụm thi đua Khối kinh tế của MTTQ Việt Nam tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo khoa học chuyên đề để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống; triển khai các các chương trình chấn hưng và phát triển làng nghề, chương trình kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, hội nhập quốc tế. Tổ chức các cuộc liên hoan văn hóa – du lịch, hội nghị khách hàng, kết nối cung cầu giữa các làng nghề. Vận động các tổ chức, hội viên tham gia các Hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế để trưng bày và tiêu thụ các các sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề,. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mở rộng thi trường, thị phần, khách hàng; đưa các các sản phẩm làng nghề (đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ) đậm đà bản sắc văn hóa các vùng, miền, các dân tộc Việt đến với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. góp phần quảng bá thương hiệu, sản phẩm; quảng bá đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ban Lãnh đạo Hiệp hội đã tích cực tham gia hoạt động phản biện xã hội các chính sách, pháp luật có liên quan đến nghề, làng nghề truyền thống, đến nghệ nhân, thợ giỏi và người lao động của làng nghề.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Ban Lãnh đạo Hiệp hội, nhiệm kỳ vừa qua Tạp chí Làng nghề Việt Nam, các Ban chuyên môn, tổ chức có tư cách pháp nhân, văn phòng đại diện và các đơn vị trực thuộc Hiệp hội đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật; tuyên truyền giới thiệu hoạt động của các làng nghề; giới thiệu nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề Việt Nam tiêu biểu; tư vấn pháp lý, hỗ trợ cho các tổ chức, hội viên tham gia các chương trình quốc gia, như: chương trình Khuyến công hàng năm; chương trình Ocop; chương trình Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam. Đồng thời phát huy tốt vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Hiệp hội, tích cực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về bảo quản sản phẩm, bảo vệ môi trường, tư vấn, hỗ trợ tổ chức, hội viên trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, sử dụng nguyên liệu thay thế, thay đổi mẫu mã sản phẩm, nhãn mác, bao bì đóng gói sản phẩm, đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ…

Phong trào thi đua yêu nước của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2018-2023 được quan tâm chỉ đạo, phát triển mạnh mẽ, thu hút được đông đảo các tổ chức, hội viên tham gia, như: Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; phong trào Xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Đã có hàng trăm tổ chức, cá nhân hội viên được Hiệp hội khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Hoạt động xét, phong tặng các danh hiệu làng nghề, như: Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam; Làng nghề tiêu biểu; đơn vị kinh tế Làng nghề tiêu biểu; bảo vật tinh hoa làng nghề; sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Làng nghề tiêu biểu; bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam tiếp tục được duy trì định kỳ 2 năm một lần, theo phương châm công khai, minh bạch, đảm bảo tiêu chuẩn; phong trào thi đua có sức lan tỏa, tạo được tình cảm, niềm tin của tổ chức, hội viên vào Ban lãnh dạo Hiệp hội và sự nghiệp bảo tồn, chấn hưng nghề, làng nghề truyền thống mà Nghị quyết Đại hội IV đề ra. Hiệp hội đã vận động các tổ chức, hội viên tích cực tham gia hoạt động xã hộị, như: Chăm sóc thương binh, gia đình người có công; vận động ủng hộ, đồng bào vùng thiên tai, hỗ trợ cho tổ chức, hội viên gặp khó khăn do đại dịch Covid 19; góp phần đảm bảo an ninh trật tư và an sinh xã hội ở các địa phương, đơn vị.

Nhiệm kỳ vừa qua, Ban Lãnh đạo Hiệp hội tiếp tục tập trung chỉ đạo làm tốt công tác đối ngoại nhân dân thông qua các cuộc hội đàm và ký kết thỏa thuận hợp tác với một số tổ chức, tập đoàn kinh tế nước ngoài nhằm giới thiệu văn hóa Việt, quảng bá sản phẩm làng nghề với thị trường và khách hàng các nước bạn. Tổ chức hoặc tham gia các đoàn khảo sát thị trường nước ngoài, tham gia hội chợ tại một số nước, như: Thái Lan, Singapo, Bỉ, Nhật…tạo điều kiện cho tổ chức, hội viên được tiếp xúc, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, khai thác thị trường cung ứng nguồn nguyên liệu và tìm đầu ra cho các sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống trong quá trình nền kinh tế nước ta hội nhập sâu với nền kinh tế khu vực và quốc tế.

Từ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2018-2023 rút ra được những bài học kinh nghiệm quý đó là:

Thứ nhất, Hiệp hội phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất cao từ nhận thức đến hành động của thành viên Ban Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng Cố vấn, đến các Ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc và các tổ chức, hội viên.

Thứ hai, Hiệp hội đã tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương, các địa phương; sự động viên cổ vũ của các Hội, Hiệp hội Trung ương, nhất là các thành viên trong Cụm thi đua Khối Kinh tế thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Thứ ba, hoạt động của Ban Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng Cố vấn, các Ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc khá đồng đều. Đã sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IV thành các Chương trình, Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của Hiệp hội, khả thi được các tổ chức, hội viên tiếp nhận và tổ chức thực hiện đạt kết quả.

Thứ tư, Hiệp hội đã làm tốt chức năng đại diện, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, hội viên. Huy động được đông đảo tổ chức, hội viên tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện; các phong trào thi đua yêu nước; các cuộc vận động do Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.

Thứ năm, Hiệp hội là thành viên tích cực, có trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, những thành tích của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua đã được Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, đia phương và tổ chức, hội viên ghi nhận. Hiệp hội đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các danh hiệu cao quý khác.

Hiện nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đang khẩn trương tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị Đại hội Hiệp hội khóa V, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Hy vọng từ thành tích và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn sinh động của nhiệm kỳ qua cần được Ban Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành khóa V,  Hội đồng Cố vấn, các Ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Hiệp hội.

Nhân dịp này đề nghị Đại hôi và Ban lãnh đạo Hiệp hội khóa V hết sức quan tâm đến công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn cả nước. Phối hợp với các Bộ, Ngành chức năng và các địa phương tham mưu cho Chính phủ công tác quy hoạch phát triển bền vững nghề, làng nghề truyền thống; phát triển vùng nguyên liệu; phát triển khu, cụm kinh tế làng nghề; tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định số 801/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/7/2022 “Phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” với mục tiêu chung là: “Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn bền vững”. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua, công tác xét, công nhận các danh hiệu làng nghề Việt Nam. Góp phần không ngừng củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống Việt Nam; được các cấp, ngành, địa phương đánh giá cao và các tổ chức, hội viên tín nhiệm; để Hiệp hội thực sự trở thành là mái nhà chung của làng nghề Việt, là địa chỉ tin cậy của các tổ chức, hội viên./.

Nguyễn An Hưng,
(UVBCH Hiệp hội Làng nghề Việt Nam,
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề TP. Hải Phòng)

 

Bài viết khác

Tác giả: minhtri