Chặng đường 20 khóa học Hán Nôm và Thư pháp cơ bản

20 KHÓA HỌC LỚP HÁN  NÔM VÀ THƯ PHÁP CƠ BẢN –

CHẶNG ĐƯỜNG GÓP PHẦN LÀM SÁNG LÊN VĂN HÓA VIỆT

Trước nhu cầu học tập Hán – Nôm cũng như sự phát triển của thư pháp trong thành phố ta và các tỉnh, thành phố khác, được sự quan tâm của Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng, sự đồng tình, ủng hộ của nhiều ban, ngành, địa phương và ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa, Trung tâm Thư pháp, câu đối và Hán – Nôm học Hải Phòng đã mở đến nay là 19 khóa và hôm nay là khóa thứ 20.

Các lớp Hán  – Nôm và thư pháp cơ bản đã được mở tại các địa phương: (Đan Phượng – Hà Tây (sau sáp nhập vào Hà Nội), thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Văn Miếu Xuân La, đình Hàng Kênh (Hải Phòng)…Từ khóa 11 (năm học 2014 – 2015) đến nay, được sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Quản lý di tích đình Dư Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Trung tâm Thư pháp – Câu đối và Hán Nôm học Hải Phòng mở lớp học Hán – Nôm và thư pháp cơ bản các khóa tại Đình Dư Hàng – một di tích văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn quận Lê Chân. Thật ý nghĩa khi được học chữ thánh hiền dưới mái đình cổ kính thờ đức Ngô Vương Quyền – người đã có công to lớn mang lại nền độc lập, tự chủ cho dân tộc ta.

Học viên 19 khóa học và hôm nay là khóa 20 rất phong phú, đa dạng, họ là những công nhân, nông dân, tri thức, là bộ đội, công an, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, lao động phổ thông, doanh nghiệp, kinh doanh tự do, thầy thuốc, nhà thơ, nhà văn, nhiếp ảnh, hưu trí…; có những học viên tuổi còn rất trẻ (10-12 tuổi), đến bậc cao niên (76 tuổi); có những học viên có học vị thạc sỹ, tiến sỹ, bậc quân hàm cao cấp trong Quân đội, Công an (thượng tá, đại tá…). Học viên đến với lớp học từ mọi miền khác nhau như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng…Mỗi học viên đều có một hoàn cảnh, điều kiện công cuộc sống, công tác, học tập khác nhau, song trong mỗi học viên đều có chung một tâm thức đó là yêu chữ Thánh hiền, yêu nghệ thuật thư pháp, muốn rèn chữ là rèn tâm, dưỡng chí trong cuộc sống, lao động, học tập, công tác, giáo dưỡng con cháu, tinh thần hướng tới một giá trị đích thực của chân – thiện – mỹ. Điều đặc biệt là, rất nhiều học viên muốn học lại nhiều lần để tích lũy thêm kinh nghiệm như: Lê Hồng Sản, tham gia 2 khóa, thì cả 2 khóa làm Lớp trưởng; học viên Trần Quốc Huy tham gia 8 khóa học (từ năm 2014 -2023), trong đó, 2 khóa làm lớp phó và 6 khóa làm lớp trưởng; học viên Ngô Thu An tham gia 8 khóa, thì 4 khóa làm lớp phó, 1 khóa làm lớp trưởng; học viên Trần Thị Hương Trà, Phạm Quang Vịnh…nhiều năm theo học.

Các khóa học được tổ chức chặt chẽ. Lớp học có ba chủ nhiệm lớp gồm: 1 lớp trưởng và các lớp phó và ủy viên, thường xuyên tiếp thu ý kiến chỉ đạo của thầy Lê Thiên Lý, tổ chức các buổi học tập chu đáo cho các học viên, từ bảo đảm bảng viết nhiễm từ, phấn, giấy, mực, đến tổ chức các cuộc sinh nhật, giao lưu thư pháp, đi thực tế, phối hợp bảo đảm nước uống, bàn ghế, nơi học tập mỗi chiều Chủ nhật…Trong điều kiện phát triển của thông tin mạng, những khóa gần đây đã kết nối nhóm zalo các lớp thư pháp từ khóa 1 đến khoa 20 để kịp thời truyền tải những thông tin phục vụ học tập, trao đổi, giao lưu học tập về Hán – Nôm, thư pháp.

Các khóa học được Thầy Lê Thiên Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Hải Phòng, Giám đốc Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán – Nôm học Hải Phòng, người đã có nhiều tâm huyết, kinh nghiệm về Hán – Nôm và thư pháp Hán – Nôm, kỷ lục thư pháp Việt Nam và thế giới về thư pháp trực tiếp giảng dạy. Bằng tấm lòng muốn truyền thụ những nét đẹp văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau, các khóa học Hán – Nôm và thư pháp cơ bản do Thầy Lê Thiên Lý làm Chủ nhiệm đều miễn hoàn toàn học phí.

Không quản ngại điều kiện đi lại đường xá xa sôi, thời tiết nắng mưa, các học viên chủ động sắp xếp công việc bản thân, gia đình, công việc xã hội tích cực đến lớp học vào chiều Chủ nhật hàng tuần. Cũng không quản ngại điều kiện tuổi cao, sức khỏe, cách trở đường xá (Đan Phượng xa hơn 200 km), vào Chủ nhật hàng tuần, Thầy Lê Thiên Lý đến với lớp học. Trong 19 khóa đến nay, các học viên được thầy Lê Thiên Lý truyền thụ những điều căn bản về chữ Hán, chữ Nôm, 500 chữ Hán thông dụng, 214 bộ thủ, cách cầm bút, 47 nét viết cơ bản và 10 cách thể hiện viết chữ Hán đẹp, cách bố cục, trình bày một bức thư pháp. Từ những kiến thức chung về Hán Nôm và thư pháp truyền thống, thầy Chủ nhiệm lớp Lê Thiên lý truyền thụ cách viết “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” – một loại hình thư pháp độc đáo do thầy sáng tạo ra, cách sáng tác đại tự, câu đối, các đặt tên cho con, cách viết thư pháp tiếng Việt.

19 khóa học đã qua, nhiều học viên nhớ lại những ngày đầu bỡ ngỡ đến lớp, chưa biết gì về chữ Hán, chữ Nôm, chưa biết cách cầm bút, các viết, cách thể hiện một bức thư pháp; những nét bút đầu tiên nghệch ngoạc, rời rạc, siêu vẹo…Qua 6 tháng học tập, với gần 30 buổi, nhiều học viên cần mẫn, kiên trì, nhẫn lại, luyện tập, viết đi, viết lại nhiều lần, để rồi đến khi kết thúc khóa học, các học viên đã có những kiến thức cơ bản về Hán – Nôm, cách viết, thể hiện một bức thư pháp chữa Hán, chữ Việt. Những con chữ Thánh hiền dần dần được viết đẹp hơn, có hồn hơn, nhiều học viên tạo cho mình một phong cách viết riêng, dấu ấn riêng.

Ngoài học lý thuyết, thực hành ngay trên lớp, các học viên được tham gia các hoạt động ngoại khóa đầy bổ ích như: Thăm quan Miếu Xuân La, Khu di tích vương triều Mạc (huyện Kiến Thụy), khu di tích đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo), chùa Thắng Phúc (huyện Tiên Lãng), Đồi Thiên Văn  (quận Kiến An), thăm Côn Sơn, Kiếp Bạc, khu di tích đền thờ Chu Văn An – vạn thế sư biểu (huyện Chí Linh, Hải Dương), vùng đất Sơn Tây địa linh nhân kiệt, vùng đất có nhiều di tích lịch sử  – văn hóa cấp quốc gia. Trong khóa học, với tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, các lớp đã tổ chức sinh nhật Thầy Lê Thiên Lý và tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam để lại nhiều ấn tượng sâu sắc (khóa 13 tổ chức 1 chương trình tri ân Thầy). Những khóa học gần đây tại đình Dư Hàng còn tổ chức sinh nhật cho các học viên tạo sự đoàn kết, gắn bó tình “Thầy – Trò”, tình đồng môn.

Không phụ công lao của thầy Lê Thiên Lý, học viên của 19 khóa học đã không ngừng miệt mài rèn luyện, nhiều học viên đã trưởng thành như những cánh chim bay đi muôn nơi mang theo văn hóa Việt, tâm hồn Việt làm đẹp thêm cho đời. Nhiều người đã đạt được kết quả và có bước trưởng thành nhất định, thậm chí có người có tên tuổi trong “Làng Thư pháp” của thành phố, tiêu biểu như: Bùi Đức Vượng, Hồ Sỹ Tiếp, Bùi Văn Mười, Trần Nho Phấn, Trần Phượng Đình, Nguyễn Thanh Tân, Đào Bạch Linh, Nguyễn Thị Nhàn, Nguyễn Thị Hiển, Đỗ Hào, Trần Quốc Huy, Ngô Thu An, Hoàng Văn Thắng,  Nguyễn Văn Thiện, Đoàn Ngọc Quỳnh…Đến nay, đã có 11 học viên được Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân thư pháp, 4 học viên được tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”.

Bằng những kiến thức về Hán Nôm và thư pháp, rất nhiều học viên của 19 khóa học tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội như: Tham gia tặng chữ đầu năm cho nhân dân vui đón Xuân mới tại các địa điểm văn hóa tâm linh như: Đền trạng trình Nguyễn Bỉnh Kiêm, Khu di tích vương Triều Mạc, tháp Tường Long, đền Tam Kỳ, nhiều đình, chùa, miếu, đền; tham gia khai bút và tặng chữ tại Đền thờ Chu Văn An (Chí Linh, Hải Dương); đền thờ Tiến Sỹ Lê Đức Liêu (thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn), đình An Hồng Phúc (xã An Hồng) thuộc huyện An Dương; đền Hạ, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng; Lễ khai bút tại Lễ hội đình Dư Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân. Nhân dịp Xuân Quý Mão, đã tích cực tham gia khai bút tại Tháp Tường Long do UBND quận Đồ Sơn tổ chức…Đặc biệt là, môn sinh các lớp thư pháp khóa 18 tham gia viết và trình diễn thư pháp trong Chương trình nghệ thuật Hải Phòng mừng Xuân Quý Mão – 2023. Đây là lần đầu tiên trên thành phố Cảng, những con chữ đã cùng cánh sóng bay xa trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới. Ngoài ra, các học viên tích cực tham gia triển lãm thư pháp do Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, Trung tâm văn hóa thành phố tổ chức, hoạt động văn hóa đường phố do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân dịp Hải Phòng giải phóng, Quốc khánh 2-9, hướng dẫn viết thư pháp cho học sinh phổ thông của nhiều trường…Những “Ông đồ” – học viên của Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán – Nôm học Hải Phòng miệt mài, trí tuệ, bàn tay tài hoa thổi hồn vào từng con chữ đầy ý nghĩa nhân văn…đã góp phần tích cực xây dựng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, để giấy đỏ bừng sáng lên hồn dân tộc trong điều kiện mới.

Với đạo lý truyền thống “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, các môn sinh Lớp Hán – Nôm thư pháp từ khóa 1 đến khóa 20 xin gửi đến thầy Lê Thiên Lý lời tri ân sâu sắc! Các học viên Lớp thư pháp Hán – Nôm 20 khóa cũng xin trân thành cảm ơn: Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng, mà thường xuyên và trực tiếp là ông Nguyễn An Hưng, Chủ tịch Hiệp hội; Hội đồng họ Lê thành phố Hải Phòng, mà thường xuyên là Nghệ nhân Lê Đức Đôn; Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa của nhiều địa phương, nhất là, Ban quản lý di tích đình Dư Hàng, phường Dư Hàng Kênh, mà trực tiếp là ông Dương Anh Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực…đã quan tâm tạo mọi điều kiện, thường xuyên theo dõi, động viên tạo động lực để các học viên phấn đấu vươn lên.

Chặng đường và kết quả 20 khóa học Hán – Nôm và thư pháp cơ bản – như sức bật của tuổi hai mươi, đã và đang góp phần làm sáng thêm một nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc.

Đại tá, Th.sỹ Trần Quốc Huy

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề TP. Hải Phòng

Bài viết khác

Tác giả: minhtri