Một ngày đầu Thu 2022, được sự giới thiệu của lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng, tôi về thăm Cơ sở Sản xuất Gốm sứ mỹ nghệ Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ngồi thưởng thức chén trà nóng, Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy, Chủ Cơ sở Sản xuất Gốm sứ mỹ nghệ Minh Tân tâm sự về nghề gốm sứ của quê hương đã bị mai một, mà hiện nay, anh là người duy nhất còn theo đuổi.
Minh Tân – xã anh hùng LLVT nhân dân, là một trong 36 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Minh Tân nằm bên bờ một nhánh sông Giá và một nhánh sông Bạch Đằng, được thiên nhiên đã ban tặng vùng đất này tàng trữ một lượng đất sét hoa đào quý hiếm. Biết được giá trị của đất, đã từ bao đời nay, người dân Minh Tân khai thác làm gốm, sứ, sành phục vụ cuộc sống như: âu, vại, chum, lọ…Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, địa phương đã thành lập Hợp tác xã Gốm sứ Minh Khai với trên 1.000 xã viên chuyên sản xuất ống thoát nước bằng gốm cung cấp cho nhiều địa phương phục vụ đời sống dân sinh của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cùng với hoạt động của Hợp tác xã, nhiều gia đình có lò gốm riêng, thường xuyên đỏ lửa giữa nghề truyền thống địa phương.
Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, cơ chế thị trường tác động, làm thay đổi nếp sống, cách lao động sản xuất của người dân nơi đây. Những người cao niên sức khỏe yếu khó kế tục truyền nghề, những lớp trẻ không mặn mà với nghề gốm của quê hương bởi mưu sinh bằng nghề gốm quá vất vả nhọc nhằn, hiệu quả làm kinh tế làm các nghề khác bảo đảm tốt hơn cho cuộc sống. Đến như ngày hôm nay, Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy cũng phải vượt qua nhiều định kiến của gia đình, họ hàng, bạn bè. Thấy anh đam mê, theo đuổi nghề truyền thống cha ông vất vả, nhọc nhằn, gia đình đã khuyên nên bỏ nghề; rồi mặt bằng, kinh phí đầu tư sản xuất, lực lượng người thợ, nhu cầu thị trường, hiệu quả kinh tế khi duy trì nghề truyền thống này…được đặt ra mà câu trả lời đang còn ở phía trước.
Làng gốm sứ có nguồn gốc từ lâu đời với tên gọi là xóm Lò Nồi, thuộc tổng Dưỡng Động, nay là xã Minh Tân; có lẽ, các tên gọi cũng đã phần nào nói về nghề truyền thống lâu đời của vùng đất giàu tiềm năng này. Được sự quan tâm động viên, tạo điều kiện của Lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng, mà thường xuyên và trực tiếp là ông Nguyễn An Hưng, Chủ tịch Hiệp hội LNTP; với niềm đam mê gốm sứ từ nhỏ, với quyết tâm lưu giữ nghề truyền thống; Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy trăn trở, suy tư, không mệt mỏi theo đuổi nghề gốm sứ của cha ông để lại. Đất sét hoa đào như gọi nơi bàn tay Nghệ nhân tiếp tục giữ lửa cho nghề truyền thống của quê hương.
Cơ sở Sản xuất Gốm sứ mỹ nghệ Minh Tân, do Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy làm chủ được xây dựng trên khuôn viên chật hẹp trên diện tích đất ở của gia đình, mọi sinh hoạt của gia đình đều phải ngăn nắp, gọn gàng để dành phần cho gốm, sứ. Để duy trì nghề truyền thống, Nghệ nhân Vũ Mạn Huy đã mạnh dạn đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng 2 lò đốt bằng khí ga, vừa đáp ứng kỹ thuật nung gốm sứ, vừa bảo đảm không ô nhiễm môi trường; ngoài ra còn đầu tư máy nghiền đất, máy nghiền men, nghiên cứu, chế tác các loại khuôn mẫu bằng thạch cao đáp ứng các chế tác các sản phẩm gốm sứ…
Bám sát nhu cầu cuộc sống, Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy tập trung vào hai mũi nhọn chủ yếu là: Giữ nếp cổ truyền thống của các cụ để lại, đó là làm các sản phẩm âu, vại, chum, lọ…bằng gốm; đồng thời sáng tạo mẫu mã mới, gồm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng như đôn, chậu, một số sản phẩm như lô-gô, phù điêu, lọ lộc bình, quà tặng lưu niệm. Chất liệu men được dùng trong chế tác sản phẩm là men hữu cơ (chấu, vôi) và men vô cơ – hạt kim loại (pitmen kim loại).
Đất không phụ công người. Đến nay, đã có hàng nghìn sản phẩm của Cơ sở Sản xuất Gốm sứ mỹ nghệ Minh Tân đến với khách hàng trong và ngoài thành phố, thậm chí ra cả nước ngoài. Những sản phẩm sứ trắng, trong, mỏng là sự hòa hoa phong nhã; những sản phẩm gốm thô, nháp, láng bóng, có chiều sâu lưu giữ được hồn dân tộc. Mới đây, quà lưu niệm Cột mốc chủ quyền Trường Sa với 2.000 sản phẩm do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đặt đang được Nghệ nhân hoàn thiện, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Trường Sa của Tổ quốc. Đi xa hơn nữa, Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy mong mỏi 5 sản phẩm gồm: Tượng gốm Nữ tướng Lê Chân để tặng cho du khách đến với Hải Phòng, Tượng gốm Quốc công tiết chế Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn phục vụ du khách thăm quan khu di tích lịch sử văn hóa Bạch Đằng Giang, Phù điêu gốm Tam Bạc, Phù điêu chiến thắng Bạch Đằng, Chậu gốm lá lật quả đào được công nhận là sản phẩm OCOP của xã Minh Tân trong thời gian tới đây. Điều Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy trăn trở hiện nay vẫn là mong mỏi các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tạo điều kiện mở rộng diện tích nhà xưởng sản xuất; khôi phục, đào tạo đội ngũ thợ làm gốm ngay tại quê hương; tiếp cận thị trường đưa sản phẩm gốm sứ đến nhiều địa phương trong thành phố và cả nước.
Nói về Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy giữ lò lửa gốm sứ Minh Tân, ông Bùi Thế Phong, Họa sỹ tạo mẫu, Nghệ nhân điêu khắc chia sẻ: “Rất khâm phục lòng yêu nghề và tâm huyết phục hồi nghề gốm cổ địa phương của Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy đã vượt khó khăn về kinh tế, địa điểm và đã tạo một ngọn lửa khởi nghiệp độc đáo bằng quyết tâm giữ nghề truyền thống cha ông”.
Nghệ nhân Vũ Mạnh Huy đam mê giữ lửa nghề gốm sứ truyền thống của xã Minh Tân, góp phần duy trì, phát triển nghề truyền thống trong hệ thống làng nghề thành phố Hải Phòng, giữ gìn tinh hoa Việt trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đại tá, Th.sỹ Trần Quốc Huy
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề TP. Hải Phòng