Ông Nguyễn An Hưng sinh năm 1955, quê quán Phù Lưu, Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nhưng sinh ra và lớn lên tại thành phố Hải Phòng. Như duyên tiền định, năm 1999, ông tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Hội nghệ nhân Hải Phòng; Năm 2005, được đề cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng kiêm Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hội Nghệ nhân Hải Phòng. Trước yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngày 22/12/2008, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 2215/QĐ-UBND thành lập Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng. Ông tham gia từ ngày đầu thành lập. Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng tổ chức Đại hội lần thứ I, ông Nguyễn An Hưng được bầu vào Ban Chấp hành (BCH), giữ chức Phó Chủ tịch; Năm 2018, Đại hội lần thứ II, ông được tín nhiệm cao bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng. Từ năm 2005 đến nay, ông tham gia Ủy viên BCH Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Qua 13 năm triển khai thực hiện, trên cương vị là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn An Hưng chú trọng kiện toàn tổ chức, bố trí những người có tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó với làng nghề để tham gia BCH, giữ các cương vị trọng yếu; Xây dựng, ban hành các quy chế, chương trình hoạt động trong từng nhiệm kỳ và từng năm. Nhờ sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát, Hiệp hội đã tập trung chỉ đạo phát triển hội viên là các doanh nghiệp thợ giỏi làng nghề. BCH Hiệp hội thường xuyên duy trì chế độ làm việc, nắm tình hình hoạt động của các hội viên, kịp thời tham gia, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với cương vị Chủ tịch Hiệp hội, ông Nguyễn An Hưng tích cực đề xuất với BCH về chủ trương, vận động hội viên tham gia các chương trình triển lãm, hội chợ do thành phố hoặc các bộ, ngành Trung ương phối hợp với thành phố tổ chức; Phối hợp với Liên minh các HTX Thành phố trong đào tạo nghề, dạy nghề cho hàng nghìn lao động tại các làng nghề và nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trong đó có nhiều con em gia đình chính sách, quân nhân phục viên, xuất ngũ; Phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai tập huấn: “Giải pháp ứng dựng công nghệ tự động hóa cho làng nghề điêu khắc gỗ, sơn mài”; Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (Sở Công Thương) hỗ trợ HTX Thủ công Mỹ nghệ Đồng Minh (Vĩnh Bảo); Phối hợp với Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tập huấn: “Thương lượng tập thể, đối thoại xã hội nơi làm việc tại làng nghề vận tải biển” tại xã An Lư (Thủy Nguyên); Phối hợp với UBND quận Kiến An tổ chức hội thảo về giải pháp phát triển làng nghề gỗ Kha Lâm. Hiệp hội tổ chức nhiều buổi tư vấn, hỗ trợ củng cố, phát triển HTX Thủ công Mỹ nghệ Đồng Minh, HTX Làng nghề trồng hoa, cây cảnh xã Chiến Thắng (An Lão), HTX nuôi nước lợ xã Lập Lễ (Thủy Nguyên).
Để tạo điều kiện cho các hoạt động làng nghề được gắn kết giữ các vùng nông thôn, đô thị, ông tham mưu đề xuất bố trí Cơ quan Thường trực Hiệp hội Làng nghề thành phố tại thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, một địa phương có nhiều làng nghề truyền thống từ hơn 700 năm nay. Tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động, quy tụ phần lớn các làng nghề huyện Vĩnh Bảo và thành phố. Nói về vai trò của Chủ tịch Hiệp hội trong phát triển làng nghề, ông Nguyễn Ngọc Thao, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng cho biết: “Ông Nguyễn An Hưng là người tâm huyết với làng nghề, đặc biệt là làng nghề truyền thống lâu đời…Ông là người có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực trong việc tôn vinh các nghệ nhân làng nghề thành phố Hải Phòng”. Nhằm phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc, ông Nguyễn An Hưng xin ý kiến các thành viên Hiệp hội, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu và được UBND thành phố thành lập Trung tâm Thư pháp Câu đối và Hán – Nôm học thành phố Hải Phòng thuộc Hiệp hội.
Từ ngày thành lập đến nay, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thành phố Nguyễn An Hưng quan tâm tạo điều kiện cho Trung tâm mở 16 lớp học thư pháp Hán- Nôm và thư pháp Việt miễn phí cho hơn 250 học viên, đào tạo 8 nghệ nhân nghệ thuật thư pháp Hán- Nôm. Mỗi độ Tết đến, Xuân về, thầy và trò Trung tâm Thư pháp Câu đối và Hán – Nôm học tặng chữ, tổ chức khai bút đầu năm tại nhiều khu di tích lịch sử văn hóa (đền thờ Nhà Mạc, đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đền thờ Tiến sỹ Lê Đức Liêu…), góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tạo một nét đẹp trong đời sống văn hóa nhân dân.
Ông Nguyễn An Hưng đã đề xuất và đã thành lập Trung tâm sản xuất gỗ mỹ nghệ nhằn tận dụng mọi tiềm năng về làng nghề về đồ gỗ trong thời đại công nghiệp hóa và Trung tâm ngoại giao và quan hệ quốc tế của Hiệp hội tạo cơ hội cho các làng nghề tiếp cận với đối tác nước ngoài. Phát huy giá trị bàn tay vàng của các nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống Thành phố. Ông Nguyễn An Hưng rất tâm huyết thành lập Câu lạc bộ Nghệ nhân Làng nghề Hải Phòng với hơn 60 nghệ nhân trên nhiều lĩnh vực, đến nay phát triển trên 90 hội viên. Tuy mới hơn một năm đi vào hoạt động, nhưng Câu lạc bộ Nghệ nhân làng nghề Hải Phòng, đã có nhiều kết quả tích cực. Nhiều nghệ nhân tích cực tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực như chế tác gỗ, chế tác đá, may, thêu ren – móc chỉ, bon-sai, ẩm thực, tạo mẫu tóc, thư pháp…Nhiều nghệ nhân tích cực tham gia công tác an sinh xã hội. Hai Nghệ nhân Văn Sáu và Lê Huyền tích cực tham gia nhóm Thiện tâm ủng hộ gia đình chính sách, tặng 180 triệu đồng cho một số gia đình chính sách 3 phường Trại Chuối, Thượng Lý, Sở Dầu, quận Hồng Bàng cắt tóc miễn phí 1 năm (60 triệu đồng/phường), giảm 10% dịch vụ và sản phẩm làm đẹp tóc để ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ năm 2020.
Bằng tư duy sâu rộng, có tầm chiến lược và các giải pháp tích cực để phát triển các hoạt động làng nghề Thành phố, ông Nguyễn An Hưng còn giành những cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động làng nghề. Từ ngày thành lập Hiệp hội đến nay, ông thống nhất với gia đình để một gian nhà hơn 20 m2 tại 635, Ngô Gia Tự, phường Đằng Lâm, quận Hải An không lấy kinh phí phục vụ cho các hoạt động của BCH Hiệp hội; Năm 2020, ông xây mới, đầu tư hoàn chỉnh một phòng hơn 60 m2 để đáp ứng các hoạt động rộng rãi, thuận tiện của hội viên. Khi được hỏi về vai trò của Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng trong Khối thi đua các Hội văn hóa, xã hội và Hội nghề nghiệp Thành phố, ông Đặng Quý Nhất, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bạch Đằng thành phố Hải Phòng cho biết: “Ông Nguyễn An Hưng tâm huyết, gắn bó với làng nghề, tích cực xây dựng mối quan hệ, đoàn kết các thành viên tích cực trong khối thi đua. Là thành viên tích cực của Câu lạc bộ, ông có nhiều sáng tạo ra các mẫu sản phẩm làm quà tặng cho các hội viên nhân dịp kỷ niệm 30, 35 và 40 năm Ngày thành lập Câu lạc bộ Bạch Đằng”.
Với nhiều nỗ lực phấn đấu, Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng được UBND thành phố tặng Bằng khen các năm 2014, 2018, Cờ thi đua năm 2020; Ông Nguyễn An Hưng, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Hải Phòng được BCH Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam. Năm nay, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng Nguyễn An Hưng bước vào tuổi 66, với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, nói đi đôi với làm, cụ thể, thiết thực. ông tiếp tục là người giữ lửa cho các hoạt động của làng nghề thành phố Cảng.
Trần Huy Hoàng