Nâng cao giá trị Làng nghề Bảo Hà

NÂNG CAO GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ BẢO HÀ, XÃ ĐỒNG MINH,

HUYỆN VĨNH BẢO TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA HIỆN ĐẠI HÓA

          Vừa qua, tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo diễn ra cuộc tọa đàm trao đổi với tiêu đề: “Định hình giá trị khác biệt cho làng nghề Bảo Hà và Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ xã Đồng Minh trong thời đại mới”. Về dự buổi tọa đàm có các đại biểu: Ông Tô Xuân Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng, Giám đốc Hợp tác xã Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ xã Đồng Minh; ông Phạm Quang Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Minh; Tiến sỹ Nguyễn Khánh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bác sỹ Thương hiệu (Brand Doctor); cùng nhiều đại diện ban ngành, đoàn thể, cơ quan liên quan và các nghệ nhân làng nghề xã Đồng Minh.

Tại  buổi tọa đàm, các ý kiến phát biểu tập trung làm rõ được thực trạng làng nghề Bảo Hà, đưa ra những giải pháp tiếp tục định hình giá trị khác biệt cho làng nghề Bảo Hà trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo nhiều ý kiến tham luận, đến nay, làng nghề Bảo Hà, xã Đồng Minh đã có trên 720 năm, gắn bó bao đời với các nghề truyền thống như: đan tre, dệt chiếu cói, tạc tượng, điêu khắc gỗ, tranh sơn mài, làm con rối, đắp vẽ, làm chiếu…; cùng với hoạt động làm nghề, còn các hình thức nghệ thuật hát chèo, múa rối cạn phản ánh sâu sắc văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước và thành phố, làng nghề Bảo Hà tiếp tục duy trì được một số nghề truyền thống như điêu khắc gỗ, tạc tượng, sơn son thếp vàng, làm nhà  truyền thống bằng gỗ, bê-tông cốt thép, chiếu cói, thêu ren móc chỉ…cung cấp sản phẩm hàng hóa cho xã hội, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển, thì hiện nay, làng nghề Bảo Hà có nhiều mai một, nhiều nghệ nhân không còn hứng thú với nghề cha ông, nhiều nghề thất truyền, hình thức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, nhất là giá trị khác biệt của làng nghề Bảo Hà chưa được khẳng định vững chắc.

Trước thực trạng trên, tại cuộc trao đổi, nhiều ý kiến đã đưa ra được những giải pháp nâng cấp giá trị làng nghề Bảo Hà. Trước hết là nâng cao giá trị cơ bản, trong đó cần xác định chủ trương, giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triền nghề một số nghề thế mạnh như tạc tượng, điêu khắc, sơn mài, làm chiếu, làm nhà truyền thống với chất liệu mới (bê-tông cốt thép)…; nâng cấp giá trị công thêm, mà trọng tâm là nghiên cứu sản xuất các sản phẩm tinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại, có chính sách thu hút nhiều nghệ nhân có tay nghề giỏi, kinh nghiệm làm nghề, tâm huyết với nghề; nâng cáo giá trị mở rộng, trong đó kết hợp sản xuất làng nghề với du lịch sinh thái, hoạt động trải nghiệm; nâng cao giá trị lý tưởng, truyền cảm hứng trong lĩnh vực chính của làng nghề; nâng cao giá trị sáng tạo, trong đó định nghĩa làm rõ nội hàm của nghề điêu khắc gỗ, sơn mài và một số nghề trọng tâm khác như đá lăng mộ, khu sinh thái, trang trại, trồng lúa Vietgat…

Cũng tại cuộc trao đổi, các đại biểu đã đưa ra những định hướng những giá trị khác biệt của làng nghề Bảo Hà. Một là, tầm nhìn làng nghề: tiếp tục làm sâu sắc thêm hệ tưởng cốt lõi, giá trị làng nghề Bảo Hà có hơn 720 năm đến nay, đó là từ yêu cầu của nền sản xuất lúa nước, văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất. Hai là, hình dung tương lai: định hướng phát triển làng nghề trong tương lai trong điều kiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó chú trọng đến sự phát triển của thành phố Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ba là, sức mệnh thật sự của làng nghề: Lý do làng nghề Bảo Hà được định hình từ 720 năm trước, sự khác biệt của làng nghề Bảo Hà so với các làng nghề khác, đó là làng nghề với các sản phẩm gắn chặt với các yếu tố văn hóa (múa rối cạn, múa rối nước…), văn hóa tâm linh (tượng phật, tượng những danh nhân, tượng các tiền nhân, người có công với quê hương đất nước và ngày nay là tượng thờ cúng ông bà tổ tiên…).

Đánh giá và tạo giá trị thương hiệu khác biệt cho làng nghề Bảo Hà. Đây là một nội dung rất quan trọng tạo giá trị cho các sản phẩm làng nghề Bảo Hà đứng vững trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại cuộc trao đổi, đã đưa ra những nội dung cơ bản của định hình thương hiệu làng nghề Bảo Hà với những nội hàm: Tư duy lãnh đạo; hiệu quả hoạt động sản xuất, hoạt động kinh doanh; tích cực hoạt động tiếp cận thị trường (ma-kết-tinh); quản lý nhân sự; hiệu quả quản lý tài chính; ứng dụng khoa học công nghệ; hoạt động nghiên cứu và phát triển; hoạt động hợp tác quốc tế; nhận biết thương hiệu; lòng trung thành thương hiệu…

Cuộc trao đổi đã đưa ra những bước triển khai thực hiện trước mắt đối với xây dựng giá trị khác biệt làng nghề Bảo Hà là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về giá trị làng nghề truyền thống Bảo Hà hơn 700 năm, niềm tự hào của nghề truyền thống cha ông; có chủ trương, giải pháp căn bản của cấp ủy, chính quyền địa phương cho phát triển làng nghề trong điều kiện mới; có sự chung tay vào cuộc của cán bộ, nhân dân, các nghệ nhân làng nghề; đẩy mạnh đào tạo và đào lại nghề truyền thống, đồng thời mở rộng đào tạo thêm những nghề phù hợp với địa phương, thị trường trong điều kiện mới; tiếp tục quản bá sản phẩm làng nghề Bảo Hà trên mọi phương tiện, hình thức; két nối với các làng nghề trong thành phố và cả nước thông qua sản phẩm của làng nghề; kết hợp hoạt động làng nghề với du lịch, dịch vụ; kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ với tinh thần sáng tạo, sự tinh xảo của đôi tay người nghệ nhân, người thợ.

Đại tá, Th.sỹ Trần Quốc Huy

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng

 

Bài viết khác

Tác giả: minhtri