Những tưởng các thứ trà ngon, rượu bổ – thứ mà thầy trò cụ trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khen ngợi, nào là “sáng sớm chè thung hơi bát ngát – khát uống chè mai hơi ngòn ngọt” hay như “rượu bách đầu năm trừ giá lạnh- mâm tiêu dâng kính đón lương thần”… đã bị thất truyền. Thế mà gần đây trên thị trường Hải phòng bỗng xuất hiện một loại trà mới “ danh bất hư truyền”, gọi là Mạc trà làm giới thưởng trà ao ước được thưởng thức.
Tương truyền, Mạc trà là thứ trà mà Mạc Đăng Dung và các thân vương, hoàng tộc ở thời Mạc (1527 – 1592) vẫn ưa dùng. Nghe nói nó có tác dụng dưỡng sinh, tu tính. Mạc trà được chế biến từ một loài cây kỳ lạ, sống trên đỉnh non cao, quanh năm mây phủ, tuyết giăng, rễ bám sâu vào vách đá, có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm, đó là cây shan tuyết có trên đỉnh Tây Côn Lĩnh hay các dãy núi trùng điệp, cao ngất ở Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang…Cứ mỗi độ xuân về và thu sang, cây lại cho những chiếc búp non tơ để rồi người ta đem về hong tẩm trong hương vị mặn nồng miền biển, rồi sao tẩm thành Mạc trà. Mạc trà có hai dòng trà xanh và trà đen. Trà xanh giữ nguyên vị chát; trà đen đã qua xử lý bớt chát, có tác dụng giảm béo.
Về nguồn gốc Mạc trà, có thuyết cho rằng: Một lần, Mạc Đăng Dung khi ấy là Thiên vũ vệ Đô chỉ huy sứ về thăm quê, bị quân của Trần Cao và Lê Quang Độ vây bắt, buộc phải trốn trong gầm tòa tam bảo của ngôi chùa ở làng Trà Hương. Để bí mật giúp Mạc Đăng Dung, hàng ngày, hòa thượng trụ trì chùa khéo léo dâng lễ vật là oản, xôi và bình trà.
Khi giành được ngôi báu, nhớ tới ơn cứu mạng trước đây, Mạc Đăng Dung đã xa giá về làng Trà Hương(Trà Phương, Kiến Thụy, Hải Phòng), tự đề bút đổi tên chùa Bà Đanh thành chùa Thiên Phúc (phúc của trời ban) và cấp tiền bạc cho dân làng trùng tu cảnh chùa khang trang. Nhân đây, Mạc Đăng Dung cũng ban tên gọi mới cho trà Hương, là Mạc Trà. Ồng cho phép người Trà Hương được thu mua, chuyên chở chè shan tuyết từ mạn ngược về để mở mang phát triển làng nghề. Từ đó, Mạc trà được triều đình thu mua, được bán khắp kinh thành, thậm chí các thương gia Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp…cũng tìm tận nơi gom hàng.
Chẳng biết những chuyện này thực hư đến đâu, và Mạc trà có nguồn gốc từ “miền sóng, miền gió” Hải Phòng hay không, rất khó kiểm chứng. Chỉ thấy rằng, vết tích sót lại chỉ là địa danh Trà Hương – tên có trước thế kỷ 16 (đời Thành Thái đổi thành Trà Phương vì kiêng húy). Theo kinh nghiệm của những người sành Mạc trà, nước dùng pha trà được lấy từ nước giếng làng Cung ở chân núi Voi (An Lão), nước suối Ngọc Tuyền (Đồ Sơn) nếu không có mới sử dụng đến nước sương đọng trên lá sen sớm mai hay nước mua đầu mùa. Với Mạc trà thuần khiết, nước vừa rót ra hương thơm đã bay lên ngào ngạt, mọi người cảm nhận ngay được hương vị tinh túy của trà.
Tục truyền, khi tuổi cao Mạc Đăng Dung thường dùng Mạc trà với đường phèn, chưng cách thủy để tăng thêm sức lực và trí lực….
Về trà cụ thời Mạc, các nhà khảo cổ phát hiện thấy một số chung, chén tống, chén quân, đồ dựng…bằng gốm Chu Đậu, sứ Hizen (Nhật Bản) ở các di chỉ cảng thị Minh Thị, An Dụ (Tiên Lãng), Cộng Hiền (Vĩnh Bảo), Làng Cũ (Cát Bà), phố Hiến (Hưng Yên)…Đặc biệt, ngoài một số lượng lớn ấm, bình vò, chung, chén bằng gốm, sành là những vật đựng hương liệu, trà, mật ong, đường…để xuất khẩu, ở di chỉ An Dụ (Khởi Nghĩa – Tiên Lãng), người ta còn phát hiện một lon sành có xuyên lỗ thủng ở đáy và một lon sành hai thân. Một số nhà nghiên cứu ngờ rằng những di vật này liên quan đến nghi lễ ngự trà của triều Mạc. Tương tự, giới khảo cổ học Nhật Bản cũng tìm thấy một số lượng không nhỏ bình, ấm, lon, bát, chén bằng gốm, bằng sành sứ ở Sa Kai và Osaka … đã khiến người ta tin rằng người Nhật đã chủ động nhập Mạc trà và trà cụ từ Đại Việt để dùng trong nghi lễ trà đạo (Cha do), Hoa đạo (Ikebana)…
Ông Cao Văn Tuấn, người đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc để phục hồi qui trình sản xuất, chế biến Mạc trà cho rằng, bí quyết làm nên Mạc trà nằm ở ba yếu tố chính: phải là những cây chè nằm ở trên núi đá, ở độ cao 1.300- 1500m so với mặt nước biển, nơi khí hậu quanh năm mát mẻ, thỉnh thoảng có tuyết rơi, mây phủ suốt đêm ngày; cây chè phải là đại thụ, có tuổi đời không dưới 100 năm – những cây chè này thường không có nhiều búp và mỗi năm chỉ cho ra búp hai vụ, mùa xuân và mùa thu (búp chè xuân nước xanh, hương thơm; búp chè thu được nước nhờ vị đậm và bền); muốn có trà ngon búp phải được hái vào đêm trăng – thời điểm trà “uống trăng” (từ mồng 7 đến 17 âm lịch), khi mây mù không bao phủ toàn bộ dãy Tây Côn Lĩnh. Búp chè uống “no trăng” khi đem sao sẽ tạo nên lớp tuyết mỏng. Bí quyết của việc sao tẩm Mạc trà là ướp được hương vị biển của “ iền nắng, miền gió” vào lớp tuyết trắng này. Ở vùng Tây Bắc nước ta, nhiều nơi có chè shan tuyết, nhưng chè shan tuyết Phình Hồ là ngon nhất.
Cũng theo ông Tuấn, sản phẩm của Công ty cổ phần Mạc Trà Việt Nam có thể thỏa mãn những nhu cầu khác nhau của giới thưởng trà. Tiếc thay, hiện nay do việc quảng bá chưa tới tầm nên sản phẩm chè Việt Nam nói chung và Mạc trà nói riêng vẫn chưa được biết đến nhiều. Ông hy vọng: với sự cố vấn về nghệ thuật ẩm thực của giáo sư Vũ Khiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc, Công ty cổ phần Mạc trà Việt Nam sẽ thành công trong việc “đặc thù hóa” đặc sản này đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và xuất khẩu.
Được biết, Mạc trà đã được ngành Du lịch Hải Phòng chọn là sản phẩm chào bán trong năm du lịch quóc gia năm 2013.
Trần Phương