Từ xưa, làng Bảo Hà, thuộc xã Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng đã nức tiếng khắp vùng bởi nghề tạc tượng. Hiện nay, trong miếu thờ của làng có thờ Đức Linh Lang, một vị tướng thời Lý. Ngoài ra còn có thờ tổ nghề tạc tượng của làng là cụ Nguyễn Công Huệ. Sự nổi tiếng này thể hiện qua các sắc phòng của các triều và các lệnh chỉ. Cụm di tích lịch sử văn hoá miếu Ba Xã và chùa Mưỡu còn gìn giữ rất nhiều pho tượng đẹp, là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tiêu biểu cho một phong cách tạc tượng Việt Nam. Các tác phẩm điêu khắc ở đây mang một sắc thái riêng, nó gần gũi với cuộc sống đời thường. Đó là những pho tượng mỹ nữ chúm chím môi trái đào, tóc buông dài, vạt áo cài lệch. Rồi những pho tượng quan văn mặt đăm chiêu tư lự…
Đặc biệt, có pho tượng đức thánh hoàng tử Linh Lang do đức tổ nghề tạo tác cấu trúc có thể đứng lên, ngồi xuống. Nghề tạc tượng của Bảo Hà đã vượt ra khỏi biên giới của một làng. Các nghệ nhân tạc tượng làng Bảo Hà đã đi nhiều nơi trong và ngoài vùng để làm tượng chùa, làm quân rối cho các phường rối… Những tác phẩm tạc tượng do những nghệ nhân làng Bảo Hà làm ra mang phong cách nghệ thuật riêng và rất độc đáo, có uy tín, chiếm được cảm tình của nhiều nơi. Bên cạnh nghề làm tạc tượng còn có nghề chạm khắc và biểu diễn quân rối cạn. Theo các cụ trong làng cho biết: sự ra đời của nghệ thuật rối cạn cổ truyền làng Bảo Hà là do chính nghề chạm khắc tượng của làng.
Trải qua bao thăng trầm, tới nay, các nghệ nhân của làng vẫn nỗ lực duy trì và phát triển nghề. Hiện ở Bảo Hà có 973 hộ thì có tới 184 hộ chuyên nghề, gần 20 cơ sở sản xuất tập trung, doanh thu chiếm hơn 30% tổng thu nhập của xã Đồng Minh. Làng nghề tạc tượng Bảo Hà đã trở thành một trong những điểm đến của chương trình du khảo đồng quê, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
MT