Tham luận của Chủ tịch HH Làng nghề Hải Phòng trong Hội thảo khoa học “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa thành phố Hải Phòng”

Ngày 28/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị thành phố, số 18 Hoàng Diệu, Hải Phòng; đã diễn ra Hội thảo khoa học “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa thành phố Hải Phòng”; do Sở Văn hóa Thể thao kết hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng đồng tổ chức. Tham dự có đại diện lãnh đạo Trung ương và Thành phố, đại diện các Sở, ban, ngành, Hiệp hội, các Giáo sư, Nhà nghiên cứu khoa học. Sau bài phát biểu khai mạc của Ts Bùi Thanh Tùng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT thành phố; Bà Đào Khánh Hà- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đã có bài phát biểu chỉ đạo hội nghị. Hội nghị đã nghe báo cáo đề dẫn do Ts Trần Thị Hoàng Mai- Giám đốc Sở VHTT trình bày; nghe các báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, du lịch… trình bày. Cũng trong hội thảo đã diễn ra phần thảo luận sôi nổi và thiết thực. Kết luận hội thảo, GS. TS. NGND Vũ Minh Giang- Chủ tịch Hội đồng Khoa hoạc và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội KHLS VN đánh giá cao chất lượng hội thảo. Những kết luận rút ra từ hội thảo là cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa thành phố Hải Phòng. Sau đây là tham luận của ông Nguyễn An Hưng- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng:

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ VÀ NGHỀ THỦ CÔNG MỸ NGHỆ TRUYỀN THỐNG GÓP PHẦN PHÁT TRIỀN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

                                               Nguyễn An Hưng

(Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng)

  1. PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA (CNVH) Ở VIỆT NAM

Công nghiệp Văn hóa (CNVH) ra đời vào những năm 30 của thế kỷ 20, đã nhanh chóng khẳng định được ưu thế vượt trội trong sản xuất, kinh doanh, thu hút, chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Bằng các sản phẩm chứa đựng những giá trị nhân văn, các ngành CNVH góp phần không nhỏ làm phong phú tâm hồn, trí tuệ, phát huy khả năng sáng tạo của con người, đồng thời quảng bá được hình ảnh, vị thế, sức mạnh của quốc gia, dân tộc, mang lại những khoản doanh thu vô cùng lớn, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập quốc dân.

Ngành công nghiệp văn hóa hiện nay, bao gồm:

  1. Quảng cáo;
  2. Kiến trúc;
  3. Phần mềm và các trò chơi giải trí;
  4. Thủ công mỹ nghệ;
  5. Thiết kế;
  6. Điện ảnh;
  7. Xuất bản;
  8. Thời trang;
  9. Nghệ thuật biểu diễn;
  10. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm;
  11. Truyền hình và phát thanh;
  12. Du lịch văn hóa

Trong đó nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ chủ lực của Việt Nam hiện nay gồm có: Nhóm Gỗ mỹ nghệ; Nhóm Mây, tre đan; Nhóm Gốm, sứ mỹ nghệ; Nhóm Thêu thủ công và Nhóm Sơn mài.

Phát triển ngành CNVH là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia với những bước đi cụ thể về tầm nhìn, quyết sách đầu tư, nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá, cách thức chinh phục thị trường. Trong đó tiêu biểu là các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Thái Lan, Singapore… với chiến lược quảng bá, xuất khẩu những sản phẩm văn hóa mang đậm sắc thái độc đáo của các dân tộc, kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống, hiện đại, mở ra cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa nhằm thu hút thị hiếu của công chúng trên khắp thế giới.

Ở Việt Nam chúng ta, do những điều kiện đặc thù về lịch sử xã hội, hạn chế trong tư duy phát triển kinh tế, văn hóa, nên gần đây ngành CNVH mới manh nha xuất hiện, hình thành và dần đi đến hoàn thiện, trở thành ngành kinh tế mới, tạo sức hấp dẫn, sự quan tâm, chú ý của dư luận. Khai thác giá trị văn hóa của kinh tế để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đưa ra chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế. Đến Hội nghị Trung ương 10 khóa IX, nhận thức về vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa tiếp tục được mở rộng và nâng cao…Yêu cầu đẩy mạnh phát triển CNVH một lần nữa được Hội nghị Trung ương 9 khóa XI nhấn mạnh trong Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó đề xuất nhiệm vụ cần phải “đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và CNVH”. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu: “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Như vậy, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, soi đường cho quốc dân đi trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1755/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những quyết sách, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Chiến lược khẳng định: “Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân… Phát triển các ngành CNVH dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa”, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 doanh thu của các ngành CNVH đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, đến năm 2030 doanh thu đóng góp của CNVH khoảng 7% GDP. Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 100/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Phát triển, Áp dụng và Quản lý Hệ thống truy xuất nguồn gốc; Ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1909/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030; Ngày 07/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 801/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam, giai đoạn 2021- 2030. Đây là những tín hiệu tích cực về mặt thể chế Nghị quyết của Đảng, tạo hành lang, chính sách để đầu tư phát triển CNVH, xứng tầm với vị thế, nguồn lực văn hóa đa dạng, phong phú của đất nước.

  1. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ VÀ NGHỀ THỦ CÔNG MỸ NGHỆ TRUYỀN THỐNG GÓP PHẦN PHÁT TRIỀN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Hải Phòng nằm phía Đông miền Duyên hải Bắc Bộ, có bờ biển dài trên 125 km (kể cả bờ biển chung quanh các đảo khơi), với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thu hút được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Cùng với danh lam thắng cảnh, Hải Phòng còn mang nét văn hóa của làng nghề, nghề truyền thống ven biển và vùng Châu thổ Sông Hồng được hình thành từ xa xưa, gắn với những bí quyết cổ truyền được truyền, dạy qua nhiều thế hệ. Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề, nghề truyền thống của Hải Phòng không chỉ góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người dân địa phương, mà còn chứa đựng những nét văn hoá đặc trưng, có giá trị cần được bảo tồn và phát huy.

Trong thời kỳ bao cấp, Hải phòng đã có hàng nghìn Hợp tác xã, Tổ Hợp tác hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ và hơn 60 làng nghề truyền thống. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống của Hải phòng đã có mặt ở hầu hết thị trường Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, đến tận đất nước Cu ba anh em xa xôi   Nhiều làng nghề truyền thống đã được lưu danh sử sách, như Làng nghề gỗ, đục đẽo, tạc tượng Bảo Hà ( Đồng Minh, Vĩnh Bảo ), Làng nghề gốm sứ Minh Khai ( Dưỡng Động, Minh Tân, Thủy Nguyên )…Các nghề truyền thống, được chia thành nhiều nhóm ngành, nghề khác nhau như: Thêu ren, móc chỉ ở các xã Hùng Tiến (Vĩnh Bảo), xã Nam Sơn (An Dương), xã Tiên Cường (Tiên Lãng); Mây tre, đan ở xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên), Thanh Sơn (Kiến Thụy), An Thái ( An Lão ); Nghề đúc cơ khí ở xã Mỹ Đồng, sản xuất vật liệu xây dựng ở xã Lại Xuân, nghề trồng Cau ở Cao Nhân, nghề Vận tải thủy ở An Lư, nghề đánh bắt cá biển ở Lập Lễ, nghề gói bánh Trưng ở Thuỷ Đường (Thủy Nguyên); Nghề mộc ở Kha Lâm (Kiến An); Nghề chế tác đá ở An Tiến (An Lão); Nghề làm Con giống ở Nhân Hòa, nghề nuôi cá giống ở Cao Minh, nghề dệt ở Cổ Am ( Vĩnh Bảo ); Nghề dệt Thảm ở Đại Đồng (Kiến Thụy); Nghề tráng bánh đa ở Tân Tiến ( An Dương)…Trải qua thời gian và do nhiều nguyên nhân khách quan, một số làng nghề đến nay chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do quy mô sản xuất các làng nghề nhỏ, manh mún, nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ít, khả năng huy động vốn hạn chế. Nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của một số làng nghề khó khăn như: gỗ, mây tre… Các cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ thiết bị mới; chưa đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nên khả năng cạnh tranh kém, năng suất thấp và thị trường tiêu thụ không ổn định… Một số làng nghề có nghề lâu đời có nguy cơ mai một, thất truyền.

Hiện nay Hải Phòng còn hơn 30 làng nghề duy trì được hoạt động với những mức độ phát triển khác nhau, trong đó có 18 làng nghề truyền thống được công nhận theo Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ NN-PTNT. Chủ yếu tập trung vào Nhóm Gỗ mỹ nghệ, Sơn mài, gồm Làng nghề Điêu khắc gỗ, sơn mài Bảo Hà (Đồng Minh, Vĩnh Bảo); Làng nghề làm Con giống Nhân Mục  (Nhân Hòa, Vĩnh Bảo); Làng nghề Mộc nội thất Kha Lâm (Kiến An). Nhóm Mây, tre đan, gồm Làng nghề Mây tre đan Chính Mỹ (Thủy Nguyên); Làng nghề Mây tre đan Tiên Sa (Hồng Thái, An Dương); Làng nghề Mây tre đan Tiên Cầm (An Thái, An Lão). Tr.ong số 20 làng nghề chưa được công nhận, bao gồm các Nhóm Mây, tre đan, có các Làng nghề Mây tre đan: Úc Gián (Thuận Thiên, Kiến Thụy), Xuân La (Thanh Sơn, Kiến Thụy), Đồng Lâu (Thị trấn An Dương, huyện An Dương). Nhóm Gốm, sứ mỹ nghệ, có Làng nghề gốm sứ Minh Khai ( Dưỡng Động, Minh Tân, Thủy Nguyên ). Nhóm Thêu thủ công, có Làng nghề thêu, ren Cao Minh và Cổ Am (Vĩnh Bảo). Nhóm từ gỗ (gỗ mỹ nghệ), có Làng nghề Phục Lễ và Lập Lễ (Thủy Nguyên).

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được tạo ra một cách vô cùng tỉ mỉ nhờ bàn tay khéo léo của người nghệ nhân tài hoa. Chính vì vậy, chúng luôn có tính nghệ thuật và thẩm mĩ cao. Đồng thời có các đặc tính sau: Thứ nhất, tính văn hoá; Thứ hai, tính mỹ thuật; Thứ ba, tính đơn chiếc; Thứ tư, tính đa dạng; Thứ năm, tính thủ công. Chính các đặc tính này tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm công nghiệp hiện đại. Mặc dù ngày nay hàng hóa được sản xuất bằng máy móc đa dạng và mang nhiều giá trị sử dụng hơn nhưng với đặc trưng riêng của mình những sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn gây được sự quan tâm, yêu thích của người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, hoạt động của các làng nghề, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của thành phố có hướng phát triển tốt, sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, không chỉ tiêu thụ mạnh trên địa bàn thành phố mà còn mở rộng tiêu thụ tại thị trường một số địa phương trong vùng. Nhóm Gốm, sứ mỹ nghệ được quan tâm đầu tư trên địa bàn huyện Kiến Thụy và quận Đồ Sơn, đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng rất cao, được khách hàng trong nước và quốc tế hết sức quan tâm. Có thể thấy, việc phát triển các làng nghề truyền thống là một lợi thế về mặt kinh tế của địa phương, vừa góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho một bộ phận không nhỏ lao động ở địa bàn nông thôn. Đồng thời có thể đẩy mạnh phát triển các chuyến (tour) du lịch tham quan danh lam thắng cảnh biển, đảo kết hợp với tham quan các làng nghề truyền thống như: Làng nghề truyền thống tạc tượng, sơn mài Bảo Hà (Đồng Minh), làm con giống Nhân Mục (Nhân Hòa) huyện Vĩnh Bảo; làng gốm Dưỡng Động (Minh Tân); cơ sở gốm mỹ thuật của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên (Kiến Thụy)…

Ngày 7/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 801/QĐ – TTg, về việc Phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Thành phố Hải Phòng đã giao cho các sở, ngành chức năng phối hợp tham mưu cho UBND thành phố triển khai Quyết định của Thủ tướng. Ngày 14/4/2022, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ “Bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, các nghề mới và làng nghề mới gắn với bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Mở rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn bền vững gắn với phát triển và tiêu thụ sản phẩm nộp sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đặc trưng, độc đáo của từng địa phương”. Đây là những tín hiệu rất vui đối với các Nghệ nhân, người lao động trong các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề và Lãnh đạo, hội viên Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát triển các làng nghề và nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trong thời gian tới như sau:

1/ Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng phối hợp tổ chức, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các Chủ trương, Nghị quyết của Đảng, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của UBND thành phố về phát triển Công nghiệp Văn hóa và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về bảo tồn và phát triển làng nghề đến các Nghệ nhân, người lao động trong các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề và các hội viên trong toàn Hiệp hội.

2/ Việc phát triển các làng nghề và nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trong thời gian tới có mối quan hệ mật thiết gắn bó với phát triển du lịch theo các mô hình phù hợp với đặc trưng ngành nghề và điều kiện thực tế làng nghề ở từng địa phương, đơn vị. Các Nghệ nhân, người lao động trong các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề và các hội viên của Hiệp hội cần nhận thức đầy đủ được giá trị đem lại cho các làng nghề và nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống khi kết hợp chặt chẽ với du lịch đem lại cho địa phương, đơn vị của mình.

3/ Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương hỗ trợ các Nghệ nhân, người lao động trong các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề phát huy vai trò của mình trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở làng nghề nói chung, làng nghề và nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nói riêng. Tạo sự kết nối giữa các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống với các đơn vị kinh doanh du lịch, để đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm đồ lưu niệm.

4/ Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng tiếp tục phối hợp làm tốt công tác dạy nghề, truyền nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho làng nghề và doanh nghiệp làng nghề. Đẩy mạnh công tác vận động phát triển hội viên, bồi dưỡng phát triển đội ngũ Nghệ nhân làng nghề, làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống tru theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố và các địa phương.

5/ Các làng nghề và doanh nghiệp làng nghề cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó cần quan tâm việc nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng để sản xuất, chế tác các đồ lưu niệm làm quà tặng, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện thiên nhiên, phục vụ theo nhu cầu, thị hiếu của họ. Tạo được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhất là các sản phẩm lưu niệm đặc trưng văn hóa của vùng miền, địa phương.

6/ Các làng nghề và doanh nghiệp Làng nghề cần tuân thủ các quy định pháp luật nói chung, nhất là về pháp luật bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai; Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trên, Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng đề nghị UBND thành phố, các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương quan tâm:

Thứ nhất, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng tình hình, hoạt động của các nghề, làng nghề (truyền thống và mới) trên địa bàn. Ban hành các chính sách khôi phục, bảo tồn, hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề mang bản sắc văn hoá của địa phương gắn với du lịch, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Góp phần sớm hoàn thành Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó cần có các chính sách quan tâm đến đội ngũ các Nghệ nhân làng nghề thành phố.

Thứ hai, triển khai công tác quy hoạch, chú trọng đến đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề để thu hút các nghệ nhân, doanh nghiệp làng nghề vào đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và các dịch vụ, phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

Thứ ba, hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân làng nghề, người lao động trong các doanh nghiệp làng nghề để họ thấy được lợi ích kinh tế từ dịch vụ du lịch mang lại. Giúp họ ý thức hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn sản phẩm truyền thống, bảo vệ môi trường; đồng thời có trách nhiệm quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng của nghề, làng nghề truyền thống và địa phương đến với du khách.

Thứ tư, các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương làm cầu nối gắn kết làng nghề truyền thống với các đơn vị lữ hành, tổ chức các chương trình thăm quan du lịch. Đồng thời tích cực hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch tại các làng nghề, gắn du lịch làng nghề truyền thống với các hoạt động du lịch khác, như: du lịch biển, đảo; du lịch tâm linh; du lịch nông thôn…tạo nên sự đa dạng, phong phú giữa các loại hình du lịch.

Thứ năm, các đơn vị lữ hành cần có sự phối hợp chặt chẽ với các làng nghề truyền thống trong việc tổ chức mở các tour du lịch, nhất là trong đó có các hoạt động trải nghiệm. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nắm chắc về lịch sử hình thành, phát triển của các nghề, làng nghề truyền thống và cập nhật các thông tin mới để hướng dẫn du khách thăm quan, du lịch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.

Thực tế, so với nhiều địa phương trong cả nước, Hải Phòng không có nhiều làng nghề truyền thống. Mặc dù vậy, ngành nghề nông thôn cũng đóng góp một phần rất quan trọng vào các chỉ tiêu phát triển của Thành phố, tạo nhiều việc làm và thu hút nguồn lực lao động tại chỗ.

Công tác bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, các nghề mới và làng nghề mới gắn với bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tuy có nhiều lợi thế, song thời gian qua còn nhiều bất cập. Các nghề, làng nghề truyền thống của thành phố vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Trong thời gian tới, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương, công tác “Bảo tồn và phát triển làng nghề và nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, các nghề mới và làng nghề mới gắn với bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Mở rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn bền vững gắn với phát triển và tiêu thụ sản phẩm nộp sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đặc trưng, độc đáo của từng địa phương”, nhất định đạt được những thành tựu quan trọng. Góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội nói chung và phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố nói riêng. Đáp ứng ngày càng tốt hơn mong mỏi, kỳ vọng của đông đảo các Nghệ nhân, người lao động trong các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề và các hội viên của Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng./.

NAH

 

 

 

 

Bài viết khác

Tác giả: minhtri