Trong năm 2023, Đảng bộ, Chính quyền nhân dân và Lực lượng vũ trang thành phố nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội sau đại dịch bệnh Coovit -19; trong đó tập trung thực hiện chương trình “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện chuyển đổi số”. Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức để đáp ứng với sự phát triển thành phố trong tình hình mới; trong đó rất quan tâm đến xây dựng và phát triển đội ngũ nghệ nhân làng nghề, điều đó càng có thêm động lực để các nghệ nhân phấn đấu vươn lên. Nhìn lại một năm qua, các nghệ nhân khối nội thành tiếp tục duy trì hoạt động trên nhiều lĩnh vực cuộc sống nỗ lực lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đã có nhiều thành tích và kết quả tốt đẹp.
Trước hết nói đến các nghệ nhân khối thư pháp thuộc Trung tâm Thư pháp câu đối và Hán Nôm học Hải Phòng. Các nghệ nhân Thư pháp đã không ngừng vươn lên, có nhiều hoạt động để góp phần thúc đẩy “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như: tích cực tham gia tặng chữ để cùng nhân dân đón xuân mới Quý Mão, lễ khai bút ở nhiều nơi, thúc đẩy tinh thần hiếu học, tổ chức 2 khóa thư pháp cơ bản tại Hạ Long (Quảng Ninh) và đình Dư Hàng, quận Lê Chân, tổ chức giao lưu thư pháp ở nhiều nơi để giấy đỏ bừng lên hồn dân tộc. Trong năm, Giám đốc Trung tâm thư pháp, câu đối và Hán Nôm học, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Nghệ nhân khối nội thành Lê Thiên Lý và Nghệ nhân Trần Thị Hương Trà được Trung tâm Văn hóa thành phố tặng Giấy khen; đặc biệt là, Nghệ nhân Ngô Thu An đã sáng tác lời thơ và được nhạc sỹ Tùng Ngọc phổ nhạc bài hát “Thư pháp Hải Phòng” được vinh danh tại Chương trình công bố tác phẩm thơ và nhạc năm 2023 tại Nhà hát lớn thành phố, để lại nhiều ấn tượng với khán thính giả.
Khối Nghệ nhân thêu ren móc chỉ làm ra nhiều sản phẩm, tham gia triển lãm hội chợ quà quốc tế tại thủ đô Hà Nội, được trao Cúp và Giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; Nghệ nhân Nguyễn Thị Liên vinh dự được đại diện 100 nghệ nhân và thợ giỏi toàn quốc gặp Chủ tịch nước nhân dịp giỗ tổ nghề Việt Nam…
Khối nghệ nhân nghề đá phục vụ các công trình xây dựng, đá mỹ nghệ, đá phong thủy như nghệ nhân Nguyễn Tiến Hanh, Phạm Viết Dung, Nguyễn Văn Đoàn…đã tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, bằn khối óc sáng tạo và bàn tay tài hoa thổi hồn vào đá làm đẹp thêm nhiều công trình kiến trúc, phục dựng, trung tu nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh. Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hanh được Viện nghiên cứu Tài chính, đầu tư và hợp tác Thương mại Đông Nam Á vinh danh chủ sở hữu khối ngọc bích đặc biệt quý hiếm với tên gọi “Nephrite Hoàng hậu”.
Khối nghệ nhân thủ công mỹ nghệ gỗ bằng những bàn tay điêu luyện thổi hồn vào gỗ, tạo những sản phẩm làm khang trang đẹp đẽ nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh (tượng chân dung, nhà gỗ, đồ thờ cúng…). Tiêu biểu như Nghệ nhân Ngô Văn Nhâm, Nguyễn Văn Quyết, Bùi Văn Lập…
Khối nghệ nhân dịch vụ đời sống xã hội như tạo mẫu tóc, mang đến những sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng, tiêu biểu như các nghệ nhân: Nguyễn Văn Sáu, Lê Thị Huyền, Nguyễn Minh Thanh…
Khối nghệ nhân cắt may trang phục com-lê, áo dài truyền thống tiếp tục mở rộng quan hệ, tạo những sản phẩm bền đẹp, mang tính thẩm mỹ cao, tiêu biểu như Nghệ nhân Nguyễn An Dũng, Trịnh Thị Hằng, Phạm Thế Trung…
Khối nghệ nhân trong nhóm sản phẩm ăn uống như rượu, mật ong, nước mắm, chả cá…tiếp tục duy trì hoạt động, giữ vững thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; tiêu biểu như Nguyễn Hồng, Nguyễn Thái Hưng; nhất là, Nghệ nhân Phạm Quý Ngọc nỗ lực phấn đấu làm chủ sở hữu 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp thành phố.
Cùng với hoạt động nghề duy trì sản xuất dịch vụ, tạo công ăn việc làm, nhiều nghệ nhân tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Kỷ lục gia Lê Thiên Lý giao lưu với Chương trình Cà phê sáng VTV 3, đưa thư pháp thể nhân diện thư, vật điểu thư đi muôn nơi, hướng dẫn các nghệ nhân thư pháp tham gia chương trình văn hóa, văn nghệ nghệ thuật đường phố chào mừng 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; Nghệ nhân Văn Sáu, Thu Huyền ngoài bằng bàn tay khéo léo làm đẹp cho đời, đào tạo nghề, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, tham gia chương trình “nâng bước em đến trường”, tặng học bổng cho Làng trẻ SOS Hải Phòng, góp phần làm sáng lên tinh thần “tương thân, tương ái”, được Thành Đoàn thành phố biểu dương nhóm thanh niên tình nguyện năm 2023; Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hanh tham gia Hội chợ sinh vật cảnh thành phố đạt giải vàng với tác phẩm tượng Phật Bà bằng đá ngọc bính; Nghệ nhân Dương Đình Nghiệp miệt mài tổ chức dạy ôn luyện thi đại học nhiều cháu đỗ đạt cao; Nghệ nhân Tân Văn Hậu tích cực tham gia dân vũ góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở….
Về công tác tổ chức, được sự quan tâm của Hiệp hội Làng nghề thành phố, đến nay, nghệ nhân làng nghề khối nội thành đã kết nối với các nghệ nhân các quận huyện: Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến An, An Lão, Cát Hải, Thủy Nguyên, An Dương, đối với các tỉnh thành phố đã kết nối với Thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hòa Bình, Yên Bái….Đến nay, đã có gần 100 nghệ nhân. Trong năm 2023, đã 5 lần thăm viếng thân nhân của nghệ nhân ốm đau, qua đời.
Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn lại trong năm qua, bên cạnh những hoạt động tích cực và những thành tích đã đạt được, nghệ nhân khối nội thành chúng ta cũng còn những hạn chế nhất định: Đó là sự kết nối, chia sẻ giữa các nghệ nhân chưa thường xuyên, chưa thật sự gắn kết giữa các ngành nghề, các sản phẩm, dịch vụ; việc tích cực, miệt mài rèn luyện kỹ năng nghề của nhiều nghệ nhân còn nhiều hạn chế, thậm chí có nghệ nhân rất ít hoặc không tham gia các hoạt động của Hiệp hội và Câu lạc bộ nghệ nhân làng nghề thành phố; các nghệ nhân chưa mạnh dạn đăng ký các sản phẩm OCOP ở địa phương.
Năm 2024, quân và dân thành phố nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội; trong đó tập trung thực hiện chương trình “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện chuyển đổi số”. Năm 2024, tiếp tục thực hiện Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 230 về Triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề thành phố Hải Phòng đến năm 2030. Đây là một tín hiệu rất vui đến với các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện mục tiêu chung: Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạch tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghê; gắn các sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội nông thôn bền vững; huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia bảo tồn và phát triển làng nghề, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nông thôn bền vững.
Từ đặc điểm, tình hình trên, nghệ nhân làng nghề thành phố nói chung và nghệ nhân làng nghề khối nội thành nói riêng tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm dưới đây:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác truyên truyền để khẳng định vai trò, vị thế của các nghệ nhân trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống đến năm 2030 và những năm tiếp theo, các nghệ nhân làng nghề trong thời kỳ mới; trước hết, tập trung quán triệt Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ, Kết hoạch số 230 của Ủy ban nhân dân thành phố, Nghị quyết Đại hội lần thứ II Hiệp hội làng nghề thành phố, Quy chế Nghệ nhân làng nghề thành phố Hải Phòng…
Hai là, tiếp tục tăng cường kiện toàn tổ chức Nghệ nhân khối nội thành bảo đảm đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, để mỗi nghệ nhân được tham gia vào câu lạc bộ nghệ nhân là niềm vinh dự, tự hào, từ đó thúc đẩy sự rèn luyện, phấn đấu tạo nhiều sản phẩm, dịch vụ cho xã hội.
Ba là, làm tốt kết nối, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiềm năng, lợi thế giữa các nghệ nhân nội thành trong hoạt động, phát huy những giá trị nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, tìm kiếm thị trường, đào tạo nghề. Trọng tâm và các nghề truyền thống chế tác đá, gỗ nghệ thuật, gốm sữ mỹ nghệ, thêu ren – móc chỉ, sơn son thiếp vàng, bạc, văn hóa ẩm thực, thư pháp nghệ thuật…
Bốn là, tích cực tham mưu đề xuất với lãnh đạo Hiệp hội làng nghề thành phố xét và tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” cho những nghệ nhân có đủ điều kiện để tạo sự lan tỏa trên địa bàn thành phố; phấn đấu nghệ nhân là lực lượng nòng cốt trong phát triển mỗi xã, phường có các sản phẩm đặc chưng (OCOP).
Năm 2024, mỗi nghệ nhân tiếp tục phấn đấu, như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mong mỏi trong cuộc gặp gỡ các nghệ nhân, thợ giỏi toàn quốc: “…các nghệ nhân, thợ giỏi kiên trì con đường lao động nghệ thuật, tôn vinh hơn nữa văn hóa Việt, vừa bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề, vừa bồi dưỡng, phát triển lớp người kế cận, tính toán đến việc truyền nghề cho các thế hệ tiếp nối”.
Đại tá, Thạc sỹ, Nghệ nhân thư pháp Trần Quốc Huy
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng